Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các cường quốc đã đặt vấn đề an ninh trở thành trọng tâm trong các chương trình chính sách toàn cầu. Cuộc khủng hoảng khí hậu đòi hỏi sự chuyển đổi sâu rộng trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp nặng, nông nghiệp, thực phẩm và vận tải, nhằm hướng tới các mô hình phát triển bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi tốt hơn. Những căng thẳng này không chỉ tạo áp lực lớn lên quá trình chuyển đổi nền kinh tế mà còn thúc đẩy sự cần thiết phải “tái cấu trúc” tương lai theo hướng phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững, khả năng phục hồi và bao trùm. Trong bối cảnh này, chính phủ các nước cần thể hiện quyết tâm mạnh mẽ và hành động nhanh chóng hơn trong việc triển khai các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI). Việc xem xét, điều chỉnh hoặc thay thế các khung chính sách, tầm nhìn, mục tiêu và công cụ STI là điều cần thiết để bảo đảm các công cụ này có thể thúc đẩy những chuyển đổi tích cực. Quá trình chuyển đổi này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tri thức khoa học cũng như việc phát triển và triển khai các công nghệ hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc đầu tư bền vững và có định hướng rõ ràng cho các hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo là điều kiện thiết yếu, cần được tiến hành song song với việc đánh giá lại các hệ thống và chính sách STI để bảo đảm chúng phù hợp với mục tiêu tạo ra sự chuyển đổi. Tổng luận “Chuyển đổi hoạch định chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” trình bày những nội dung chính trong Chương trình nghị sự về Chuyển đổi chính sách STI của OECD nhằm cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan trong quá trình xây dựng chính sách phù hợp với bối cảnh toàn cầu đầy biến động. Đồng thời, Tổng luận cũng đề xuất các phương thức điều chỉnh định hướng chính sách và hỗ trợ thực hiện các cải cách STI để thúc đẩy những chuyển đổi tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Thêm một bài đánh giá
Xếp hạng
Không có bài đánh giá nào!