Thuốc này dung nạp tương đối tốt, nhưng tác dụng phụ thường gặp nhất là nhiễm trùng niệu dục. Cho đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu nào về nhiễm trùng tiết niệu (UTI) tại phòng khám ngoại trú. Mục tiêu: Nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát tỉ lệ nhiễm trùng tiết niệu ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) típ 2 sau khi sử dụng nhóm thuốc SGLT2i và các yếu tố liên quan của tác dụng phụ này. Phương pháp: Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu được thực hiện tại phòng khám Nội tiết thuộc Trung tâm Y khoa Medic - Thành phố Hồ Chí Minh. Từ tháng 1 năm 2016 đến hết tháng 5 năm 2021, bệnh nhân ĐTĐ típ 2 trên 18 tuổi có sử dụng thuốc SGLT2i ít nhất 1 tháng được thu nhận vào nghiên cứu bằng phương pháp lấy mẫu thuận tiện, không xác suất. Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu được thực hiện tại mỗi lần khám (ít nhất 2 lần) sau khi sử dụng thuốc SGLT2i và nếu có xuất hiện bạch cầu trong nước tiểu thì bệnh nhân sẽ được cấy nước tiểu. Các bệnh nhân cũng được hỏi về các dấu hiệu của UTI như sốt, đau hông lưng, tiểu gắt, tiểu gấp hoặc tiểu lắt nhắt. Kết quả chính là tỉ lệ bệnh nhân mắc UTI sau khi sử dụng thuốc SGLT2i. Phân tích hồi quy logistic đa biến được sử dụng để xác định các yếu tố liên quan đến tác dụng phụ này. Kết quả: Trong số 409 bệnh nhân được tuyển chọn, có 17 bệnh nhân (4,16%) mắc nhiễm trùng tiết niệu sau khi sử dụng SGLT2i. Các yếu tố nguy cơ là nữ giới (OR = 8,24, p = 0,04) và tiền sử nhiễm trùng tiết niệu trước đây (OR = 3,82, p = 0,02). Kết luận: Tỉ lệ nhiễm trùng tiết niệu sau khi sử dụng thuốc SGLT2i thấp hơn so với các thử nghiệm lâm sàng đã được công bố, các yếu tố nguy cơ liên quan đến UTI sau khi sử dụng thuốc SGLT2i cũng giống như các yếu tố nguy cơ kinh điển đã biết trước đây của UTI.
Thêm một bài đánh giá
Xếp hạng
Không có bài đánh giá nào!